THẢ RÔNG GIA SÚC RA ĐƯỜNG GIAO THÔNG
Theo quy định pháp luật chăn nuôi, gia súc là các loài động vật có vú, có 04 chân được con người thuần hóa và chăn nuôi. Chẳng hạn như trâu, bò, lừa, ngựa, la, dê, cừu, lợn,…
Ở một số địa phương, một số loại gia súc được thả rông và di chuyển trên đường giao thông gây ảnh hưởng tới việc di lại của các phương tiện giao thông trên đường.
Vậy trường hợp chủ nuôi gia súc thả rông gia súc trên đường giao thông sẽ bị xử lý như thế nào? Theo quy định tại Điều 10 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, chủ nuôi có thể bị xử phạt hành chính tứ 60.000 đồng đến 100.000 đồng. Cụ thể như sau:
Điều 10. Xử phạt người điều khiển, dẫn dắt súc vật, điều khiển xe súc vật kéo vi phạm quy tắc giao thông đường bộ
1. Phạt tiền từ 60.000 đồng đến 100.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
đ) Để súc vật đi trên đường bộ không bảo đảm an toàn cho người và phương tiện đang tham gia giao thông;
Ngoài ra, khi gia súc được thả rông trên đường gây thiệt hại cho người tham gia giao thông khác thì chủ nuôi sẽ phải chịu trách nhiệm dân sự theo Điều 603 Bộ luật Dân sự 2015. Cụ thể, chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác. Trường hợp súc vật thả rông theo tập quán mà gây thiệt hại thì chủ sở hữu súc vật đó phải bồi thường theo tập quán nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội.
Thêm vào đó, trường hợp chủ gia súc thả gia súc trên đường gây tai nạn giao thông chết người thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vô ý làm chết người theo quy định tại Điều 128 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) với khung hình phạt cơ bản là phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 đến 05 năm. Trường hợp gia súc gây chết 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.
Như vậy, việc quản lý vật nuôi nói chung và gia súc nói riêng thuộc trách nhiệm của chủ nuôi. Trường hợp quản lý thiếu trách nhiệm, chủ nuôi có thể phải chịu một hoặc một số các chế tài tùy thuộc vào mức độ gây thiệt hại.





